Bệnh viện tại Việt Nam
Bệnh viện là cấu phần quan trọng của hệ thống cung cấp dịch vụ y tế. Để đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC), việc xác định rõ vai trò và tối ưu hóa hiệu suất của bệnh viện là không thể thiếu. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc lên kế hoạch và quản lý bệnh viện. Những thách thức ở cấp độ bệnh viện, như quản lý yếu kém, thời gian chờ đợi lâu, chất lượng dịch vụ và độ an toàn thấp, và sự chưa hài lòng của bệnh nhân hiện đang ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện. Ở cấp độ của hệ thống y tế, các thách thức như chưa phối hợp đầy đủ với hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, chi phí leo thang, quy định lỏng lẻo và giám sát không chặt chẽ cũng làm suy giảm các đóng góp của hệ thống bệnh viện cho sức khỏe người dân.
Hệ thống bệnh viện tại Việt Nam bao gồm cả bệnh viện công và bệnh viện tư , trong đó, các bệnh viện công đóng vai trò chính trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nhìn chung, bệnh viện công tuy có chất lượng chuyên môn tốt nhưng cũng góp phần lớn vào việc gia tăng chi tiêu y tế.
Cải cách tự chủ bệnh viện ở Việt Nam được bắt đầu từ những năm 1990, với những chính sách mới cho phép các bệnh viện thu phí dịch vụ từ người bệnh. Tuy nhiên cũng không khó để nhận thấy rằng các bệnh viện công lập cần tăng cường tài chính và quản trị, và ở cấp hệ thống y tế thì bệnh viện cần được giám sát kỹ càng, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu suất hoạt động. Đồng thời, chính phủ cũng nên có kế hoạch tăng cường đầu tư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe tuyến cơ sở (cấp huyện và xã) để giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện trung ương và thúc đẩy sự phối hợp hoạt động trong toàn hệ thống y tế.